Triết Học Thế Thân

768 lượt xem

Triết học Thế Thân (Vasubandhu) là một tác phẩm nghiên cứu về hệ thống tư tưởng của một triết gia lớn của triết học Ấn Ðộ nói chung và của triết học Phật giáo nói riêng. Tác phẩm tổng cộng có tám chương với lời tựa đầu và phần thư tịch ở cuối.

Chương I trình bày tổng quát các vấn đề liên quan tới tiểu sử bản thân Thế Thân cùng các quan điểm mà triết học Thế Thân đã đề cập tới, cụ thể là quan điểm về vấn đề tồn tại của sự vật và phương cách nhận thức chúng về vấn đề làm sao thiết định tính đúng sai của các khẳng định luận lý học, vấn đề tri giác sự vật, vấn đề tự ý thức, vấn đề ngôn ngữ để diễn tả nhận thức. Ðây là những vấn đề lớn của triết học mà Thế Thân đã có những cống hiến to lớn trong việc giải quyết chúng theo một phương hướng rất gần với lý thuyết nhận thức luận điều khiển (cybernetic epistemology) của thời đại ngày nay.

Chương II đi sâu vào việc giải quyết những vấn đề xoay quanh Thế Thân và niên đại của triết gia này. Bởi vì đây là những vấn đề đã gây nhiều tranh cãi trong học giới quốc tế. Thậm chí có học giả như giáo sư Frauwallner của trường đại học Viên chủ trương có hai người cùng mang tên Thế Thân, một Thế Thân già và một Thế Thân trẻ. Vấn đề tiểu sử và niên đại này của Thế Thân nếu không được giải quyết thì không thể nào nghiên cứu triết học của Thế Thân được, bởi vì các tác phẩm hiện còn bảo lưu cho đến ngày nay và biết dươí tên Thế Thân sẽ bị chia manh mún ra cho hai Thế Thân ấy. Do thế, chương này tập trung rà soát lại toàn bộ dữ kiện liên hệ đến cuộc đời và niên đại của Thế Thân, và cuối cùng đi đến kết luận là dứt khoát chỉ có một Thế Thân, bác bỏ thuyết hai Thế Thân của Frauwallner và đặt niên đại của Thế Thân vào khoảng những năm 315 - 395 sdl.

Chương III đề cập tới vấn đề tồn tại của sự vật. Sự vật thường được quan niệm là tồn tại trong thời gian và không gian. Do thế, tìm hiểu về sự tồn tại của sự vật chính là tìm hiểu về sự tồn tại của thời gian và không gian. Thời gian có thật sự tồn tại hay không? Vào thời Thế Thân, tức thế kỷ thứ IV sdl ở Ấn Ðộ lưu hành rộng rãi một quan điểm cho rằng thời gian thật sự tồn tại, khẳng định thời gian quá khứ và tương lai cũng tồn tại trong cùng một phương cách như thời gian hiện tại. Khẳng định này đã dẫn Thế Thân đến việc tìm hiểu sự vật tồn tại thực tế là gì? Câu trả lời cuối cùng của Thế Thân là sự vật tồn tại thông qua nhận thức của chúng ta bằng những tín hiệu chúng ta có về chúng, mà Thế Thân gọi bằng từ chuyên môn prjnõapti (Pali: panõnõati). Câu trả lời này dẫn đến những hệ luận hết sức lôi cuốn, mà hai trong chúng là vấn đề chân xác của lý luận và vấn đề cấu trúc của ý thức.

Chương IV đi sâu vào việc tìm hiểu hệ luận thứ nhất, tức là nếu ta chỉ biết sự vật thông qua những tín hiệu của chúng, thì cơ sở sự thật của một chứng minh luận lý nằm ở đâu? Thế Thân trả lời, nó nằm ở trong tính thẩm thấu (vyàpti), mà ông định nghĩa như là sự không thể tách rời (avinàbhàva) của đối tượng đã chứng minh với đối tượng phải chứng minh, tức « đối tượng này không thể tồn tại nếu đối tượng kia không hiện diện ». Ðây là lần đầu tiên khái niệm nội hàm luận lý học được nêu ra và xác định một cách rõ ràng không những đối với nền luận lý học Ấn Ðộ mà còn đối với nền luận lý học thế giới. Nó thể hiện những cống hiến to lớn của Vasubandhu đối với lịch sử tư tưởng nhân loại. Tuy nhiên, cơ sở của nội hàm này ở đâu?

Trả lời câu hỏi vừa nêu, Thế Thân tiến hành giải quyết hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là vấn đề nhận thức nói chung mà chương V tập trung tìm hiểu. Theo Thế Thân, nhận thức một sự vật xảy ra không phải chỉ thấy sự vật đó, mà đã tiếp xúc với sự vật đó qua nhiều ngã khác nhau, nghĩa là qua một môi trường nhận thức bên trong và bên ngoài. Sự tình này xuất hiện bởi vì con người không bao giờ sống đơn độc, mà tồn tại trong mối tương quan với thế giới con người và thế giới sự vật, thuật ngữ Phật giáo thường gọi là duyên sinh và Thế Thân đã đề cập tới. Nhận thức của con người xảy ra trong một môi trường tương quan chằng chịt có nhiều yếu tố tham gia. Từ đó, vấn đề cơ cấu ý thức phải được xem xét lại.

Chương VI tập trung giải thích vấn đề thứ hai, tức phân tích cơ cấu của ý thức. Bởi vì, bằng ý thức ta mới nhận thức đựơc đối tượng thông qua những tín hiệu của nó. Trước thời Thế Thân, nhận thức của con người thường được quan niệm là thông qua sáu giác quan, đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nhưng chỉ thông qua sáu giác quan này, nhận thức con người vẫn là những nhận thức rời rạc của từng giác quan một và không giải quyết được một số dữ kiện nhận thức mà con người gặp phải. Lần đầu tiên, một lần nữa, Thế Thân đề nghị một cơ cấu ý thức gồm có tám thành tố, mà ngoài sáu giác quan vừa nói còn có thêm bộ nhớ mà Thế Thân gọi bằng từ chuyên môn là tạng thức, hay thức a lại da, và bộ xử lý mà từ chuyên môn của ông gọi là thức mạt na. Khi trình bày cơ cấu ý thức như thế này, ta thấy quan điểm nhận thức luận của Thế Thân tiếp cận thuyết nhận thức luận điều khiển của thời đại chúng ta. Ðây là một đóng góp mới của Thế Thân đối với lịch sử triết học và tư tưởng thế giới.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận cơ cấu nhận thức con người vơí tám thành tố như vậy, thì vai trò của ngôn ngữ có một vị thế khá lôi cuốn. Bởi vì, ý thức về một cái gì từ đó một quá trình kiến tạo ngôn ngữ (verbal construction) xảy ra để ý thức thể hiện trọn vẹn tính người của nó. Ðây là đối tượng trình giải của chương VII. 

Cuối cùng, chương VIII là chương tóm tắt những nhận thức trên của chúng tôi về triết học Thế Thân và đặt triết học này trong bối cảnh của lịch sử triết học và tư tưởng thế giới cả cổ đại lẫn hiện đại, cụ thể là triết học Hy Lạp của phương Tây và thuyết nhận thức điều khiển học của tư tưởng ngày nay. 

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ

CHAT VỚI

X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 -