Các Nguyên Lý Của Triết Học Pháp Quyền

713 lượt xem

Các nguyên lý của triết học pháp quyền của Hegel là một trong vài tác phẩm kinh điển trong lịch sử của triết học chính trị, bàn luận về hầu hết mọi chủ đề liên quan đến đời sống thực hành của con người. Chính vì tính chất “thực hành” đó mà cuốn sách thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà phê bình, và cũng bị phê phán từ đủ mọi hướng...

Hegel tìm cách chứng minh rằng lĩnh vực thực hành cũng tuân theo diễn trình của những quy định logic. Nói cách khác, phương pháp tư biện của khoa học logic của ông được triển khai ở đây.

Theo Hegel, có một trình tự pháp quyền từ thấp lên cao (tương ứng với phép biện chứng đi lên của ông): “Pháp quyền” của pháp quyền trừu tượng (tức nhân thân), của luân lý và đời sống đạo đức (gia đình, xã hội dân sự, nhà nước), và sau cùng, của lịch sử thế giới (được ông gọi là “pháp quyền tối cao”).

Tiến trình “tự phát triển” này mang hai đặc điểm, đồng thời cũng là hai hệ quả gây nhiều tranh cãi: (1) Cấp độ phát triển cao hơn, cụ thể hơn luôn có quyền hạn hay lẽ phải cao hơn đối với cấp độ thấp hơn; (2) Không có sự xung đột giữa các cấp độ mà chỉ có sự xung đột bên trong một cấp độ. Pháp quyền ở cấp độ thấp luôn phải nhường bước cho cấp độ cao hơn. Ví dụ: pháp quyền hay quyền hạn của nhà nước sẽ không bị luân lý (thuộc cấp độ thấp hơn) giới hạn, mà phải nhường công việc “phán xử” ấy cho “quyền hạn tuyệt đối” của “tinh thần thế giới” trong lịch sử thế giới (ở cấp độ cao hơn), hiểu như “tòa án thế giới”.

Thực ra, những hệ quả này đã có mầm mống nơi “lập trường phê phán Kant” của Hegel. Trong khi Kant thao thức với câu hỏi: “Tôi phải làm gì?”, thì với Hegel lại không khó khăn như vậy: “Con người phải làm gì, đâu là những nghĩa vụ mà con người phải thực hiện để trở nên có đức hạnh là điều dễ dàng trả lời ở trong một cộng đồng đạo đức. Đó là con người không phải làm điều gì khác ngoài những gì đã được quy định, đã được ban bố”.

Rõ ràng Hegel là đại biểu của một nền “đạo đức học định chế", theo đó sự đúng đắn và bổn phận ràng buộc của con người trong xã hội do bản thân cấu trúc của các định chế mang lại (các định chế là những quyền lực đạo đức), mà kỳ cùng là định chế nhà nước.

Trong lời giới thiệu tác phẩm, nhà nghiên cứu triết học - dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đã cho thấy một nền đạo đức học định chế đầy tham vọng như thế không chỉ tỏ ra bất khả thi mà còn ngầm chứa nhiều hiểm họa nếu muốn quy giản luân lý thành pháp lý, bởi giữa chúng mãi mãi có những sự khác biệt về nguyên tắc: luân lý có tính cưỡng chế từ bên trong, ngược lại, pháp lý cưỡng chế con người từ bên ngoài mà không nhất thiết đi kèm với một động cơ nội tâm nào cả.

Theo quan niệm của Hegel, những định chế tồn tại đúng thật đáng cho hầu hết chúng ta phó mặc sinh mệnh đạo đức của mình mỗi khi chúng ta lâm vào tình thế xung đột không lối thoát. Vì nếu Thánh Augustine thánh thiện “khắc khoải không yên cho đến khi được yên nghỉ trong tay Thượng Đế”, ta trần tục nhiều lúc cũng muốn “yên nghỉ” trong tay “những định luật tự nhiên”.

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ

CHAT VỚI

X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 -