Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào ?

716 lượt xem

Lịch sử kinh tế Mỹ như câu chuyện ngụ ngôn
Cuốn sách được liệt vào hàng kinh điển trong thể loại sách truyền bá Kinh tế học trường phái tự do. Bản thân cha con Peter Schiff đều là những nhà kinh tế lớn của trường phái Áo. Trên thực tế Schiff cha ở tuổi 82 vẫn phải "chăn kiến" vì kịch liệt phản đối những chính sách kinh tế tham lam của chính phủ Mỹ.
Nếu như có giải Nobel cho tư duy kinh tế hài hước, cuốn sách của Peter Schiff sẽ là một ứng cử viên sáng giá... Giống như lưỡi dao mổ của bác sĩ phẫu thuật, nó cắt bỏ một cách lạnh lùng và chính xác những giáo lý sai lệch được viết suốt trong những năm gần đây về các căn bệnh của nền kinh tế thị trường. Xin chào mừng bạn đến với khóa học bổ túc kinh tế dành cho những "kẻ đần thối". Bằng cách lý giải thú vị với cốt truyện nhẹ nhàng, châm biếm, tác giả đã đưa Kinh tế học ra khỏi tháp ngà đến với tất cả mọi người, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách thức vận hành của một nền kinh tế.
Tuyệt đỉnh hài hước
Lần đầu đọc nó tôi tưởng mình chọn nhầm cuốn truyện ngụ ngôn cho trẻ em. Hoàn toàn vắng bóng những con số khô khan, chẳng một biểu đồ rối rắm và vô cùng nhiều hình minh họa vui tươi hài hước. Tôi đảm bảo dù bạn có "ngẫn" đến đâu cũng bỏ túi được vài khái niệm căn bản nhất: Nền kinh tế, giá trị thặng dư là gì? Lãi suất và vai trò của ngân hàng Trung Ương... Tại sao một cốc trà đá nhẩy Lambada từ 500 đồng lên 3000 đồng? hay lương của bạn dù tăng lên 2-3 lần mà vẫn thấy nghèo hơn so với 10 năm trước. Khởi đầu câu chuyện thế này.
Ngày xửa ngày xưa trên một hòn đảo nhỏ mang tên "Chỉ đàn ông mới đem lại hạnh phúc cho nhau", có ba chàng độc thân cư ngụ. Họ phải dành cả ngày để bắt cá kiếm ăn bằng đôi tay trần, tuyệt nhiên không có một dụng cụ nào khác. Một ngày nọ, một người trong số họ nghĩ ra cách dùng vợt để bắt cá, sau đó là những dụng cụ bắt cá khác (lưới, thuyền), từ đó dân đảo bắt đầu có những khoảng thời gian dôi dư để theo đuổi những công việc khác. Cá trở thành tiền tệ của hòn đảo, rồi một Ngân hàng trung ương mang tên Ngân hàng Dự trữ Cá ra đời. Mọi chuyện cứ thế tiếp diễn trong một nền kinh tế đảo, với vô vàn hỉ nộ ái ố …
Cuối mỗi chương tác giả đều đưa ra những nhận xét hóm hỉnh xác đáng giúp người đọc nhìn rõ hơn bức tranh toàn cảnh. Tỉ dụ khi nói về việc kiểm soát lãi suất.
Các quyết định của Fed thường bị ảnh hưởng bởi những xét đoán về chính trị hơn là về kinh tế...Các vị Tổng thống Hoa Kỳ muốn tái đắc cử luôn kêu gọi giảm lãi suất, gây sức ép với Fed để giúp họ làm điều đó. Về phía mình, các nhà làm chính sách tại Fed cũng thích được xã hội nhìn nhận như những người tốt sẵn lòng giúp đỡ nền kinh tế, chứ không phải như những lão Scrooge bủn xỉn keo kiệt, kéo nền kinh tế vào suy thoái.
Những nội dung quan trọng:
- Nền kinh tế tăng trưởng thịnh vượng nhờ những lực lượng sản xuất trực tiếp biết cách cải tiến kỹ thuật - tăng năng suất và hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời nó phải dựa trên dự trữ tiết kiệm thực sự của nền kinh tế đó. Chi tiêu ít hơn những gì bạn kiếm được chính là chìa khóa cho sự giàu có. Những ngành dịch vụ ăn theo không làm tăng tổng sản phẩm quốc gia (GDP) ngay cả khi những "số liệu GDP chính thức" được báo đài ngày đêm ra rả. Cơn sốt bất động sản hay các ngành phụ trợ như trang trí nội thất, xây dựng... chẳng làm đất nước giàu lên. Trong một vài trường hợp, cơn rồ đất đai và chi tiêu công vô độ, nạn tham nhũng sẽ dẫn đến suy thoái tất yếu cho toàn bộ nền kinh tế: Đại khủng hoảng 1929, suy thoái 2008 tại Mỹ và bong bóng nhà đất năm 2011-2012 tại Việt Nam...
- Do một người Mỹ viết nên đương nhiên câu chuyện kể về chính phủ Mỹ, hồi tưởng lại sự kiện lịch sử Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định bỏ bản vị vàng - Schiff cho rằng chính quyết định này đã dẫn đến việc lạm phát trong suốt 100 năm qua của đồng Đô-la. Chính phủ Mỹ có thể in tiền mà không cần quan tâm dự trữ tiết kiệm trong ngân sách là bao nhiêu. Để bù đắp cho khoản thâm hụt, họ sử dụng chính sách xuất khẩu lạm phát sang các nước, khu vực khác.

- Tôi đặc biệt thích cách tác giả lý giải chính sách chi tiêu công phải dựa trên nguồn lực dự trữ nội tại. Ông phê phán sâu sắc thậm chí phỉ nhổ không thương tiếc những "con lừa" theo chủ nghĩa Keynes (quan niệm cho rằng chính phủ nên chi tiêu mạnh tay nhằm thoát khỏi khủng hoảng). Các khoản chi tiêu công ồ ạt của chính phủ Mỹ dưới thời Alan Greenspan, Bernanke đã đẩy số nợ mà nước này phải gánh lên đến 13 nghìn tỷ USD, tức khoảng 90% GDP. Dù đã chi 787 tỷ USD nhằm kích thích kinh tế nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn loay hoay quanh mức 10%. Chiff phê phán "Keynes đã thực hiện một trò bịp bợm khó tưởng tượng nhất một cách khéo léo: ông ta đã biến một điều đơn giản thành một mớ hỗn độn phức tạp đến mức không sao hiểu được."

- Vạch trần mối quan hệ giao thương hai chiều giữa Mỹ - Trung Quốc: trong đó Trung Quốc trở thành kẻ sản xuất cung cấp sản phẩm, còn nước Mỹ là thị trường tiêu thụ chính. Khi cán cân thương mại này bị nghiêng, chú Sam chỉ việc bấm nút in tiền hay trả nợ bằng trái phiếu. Một chiêu bẩn nhưng vô cùng hiệu quả của Tư bản Mỹ, tuy nhiên về lâu dài họ sẽ phải trả giá đắt vì vận may không thể kéo dài mãi mãi. Sẽ có lúc quốc vương Tập vác hàng tải đô la mua đứt xứ sở cờ hoa.

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ

CHAT VỚI

X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 -