Nữ Bác Học Marie Curie
Marie Skłodowska-Curie (7 tháng 11, 1867 – 4 tháng 7, 1934) là một nhà vật lý và hóa học người Ba Lan-Pháp, nổi tiếng về việc nghiên cứu tiên phong về tính phóng xạ. Bà là người đầu tiên vinh dự nhận được hai Giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau, vật lý và hóa học. Marie Curie là giảng viên đại học nữ đầu tiên tại Đại học Sorbonne (Paris), và vào năm 1995 thi thể của bà được mai táng tại điện Panthéon ở Paris vì những đóng góp to lớn cho nhân loại.
Nữ bác học nổi tiếng vẫn giữ bản chất tốt đẹp của một người lao động, cần mẫn, giản dị, không hay nói đến mình, không thích tiền tài, danh vọng, chỉ say sưa nghiên cứu, chỉ muốn làm việc và cống hiến. Trong chiến tranh, ra tiền tuyến với chiếc xe điện quang tự thiết kế, bà lăn lộn khắp chiến trường cứu chữa thương binh, như một chiến sĩ, chẳng nề hà gian khổ, chẳng đòi hỏi đối xử riêng biệt. Nhìn rõ trách nhiệm của người trí thức “không thể đứng trên cuộc chiến đấu và sẽ phản lại sứ mệnh của mình, nếu không kiên trì bảo vệ văn minh và tự do tư tưởng”. Chính nhờ đi vào thực tế cuộc sống chiến đấu mà bà đã có thêm nhiều thành tựu độc đáo về khoa học ứng dụng và kỹ thuật thực hành. Càng tha thiết đến tiền đồ khoa học, bà càng quan tâm đến “những tài năng chưa phát triển, trong những tầng lớp xã hội ít được nâng đỡ” vì “một nông dân, một công dân, biết đâu chẳng là mầm mống một nhà văn, nhà bác học, hoạ sĩ?”
Nhà tri thức chân chính và từng trải đã thành một người có tài tổ chức và cổ vũ, ra sức vun đắp thế hệ trẻ với lòng hy sinh cao cả, vừa chỉ đạo chuyện môn, vừa hoạt động xã hội “chú trọng phát triển các học bổng quốc tế về nghiên cứu khoa học, đấu tranh cho một nền văn hoá quốc tế vẫn tôn trọng các nền văn hoá dân tộc, bảo vệ nhân cách và tài năng bất cứ nơi đâu, củng cố sức mạnh tinh thần lớn lao của khoa học trên thế giới”.
Qua hình ảnh Marie Curie, người phụ nữ Ba Lan giàu tình cảm ước mơ, nhưng còn giàu nghị lực và ý chí hơn nữa, luôn luôn cưỡng lại số phận tàn khốc, vươn lên làm tròn nhiệm vụ mà cuộc sống và lịch sử đặt cho mình, ngay cả lúc đau khổ nhất, hàng vạn chị em phụ nữ Việt Nam có thể tìm thấy những nét về thời tuổi trẻ và đời sống tình cảm của mình, của những con người dũng cảm, bất khuất, trung hậu, đảm đang trên hai miền đất nước. Và kiều bào ta trên thế giới bấy lâu da diết nhớ quê cha đất tổ giờ đây thông cảm hơn bao giờ hết với người trí thức Ba Lan bốn chục năm xa quê hương vẫn không quên được tiếng mẹ đẻ vẫn tha thiết với vận mệnh và tiền đồ tổ quốc Ba Lan.
Ngày nay trên đất nước đang lớn lên, có bao khó khăn, thử thách chúng ta càng được khích lệ và tin tưởng khi nghĩ đến điều kiện làm việc rất đỗi khó khăn mà lại thành công rực rỡ của Marie Curie. Chị em phụ nữ ta đều có thể học tập những điều bổ ích ở cuộc đời và sự nghiệp của Marie Curie ở lòng say mê học hỏi nghiên cứu phát minh khoa học không vì tiếng hay danh vọng và đức tính cần cù, nhẫn nại, giản dị, thanh liêm.
Xin trân trọng giới thiệu với các bạn cuốn “Nữ bác học Marie Curie” do con gái bà là Eve Curie viết, nguyên bản tiếng Pháp đã được dịch ra 26 thứ tiếng. Một tác phẩm sinh động chân thật về một phụ nữ đại tài, một nhà khoa học chân chính .
NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT